• HỌC VIỆN HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Báo Chính phủ: Nhu cầu cấp thiết nội địa hoá nhân lực hàng không

  • Thứ ba, 09:08 Ngày 09/05/2023
  • Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi sau COVID-19 nhanh nhất thế giới. Điều đó đòi hỏi lực lượng lao động chất lượng cao phải luôn trong tư thế sẵn sàng như một ưu thế cạnh tranh chủ lực của các hãng bay.

    Sinh viên trong giờ thực hành tại Học viện Hàng không Việt Nam

    Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Hoài An, Chủ tịch HĐTV Học viện Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) chia sẻ: Đi lại bằng đường hàng không ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, nhưng mấy ai biết được gần 50.000 cán bộ, kỹ sư làm việc trong ngành hàng không được đào tạo ở đâu. 

    "Hầu hết chúng ta đều cho rằng, kỹ thuật hàng không là ngành hiện đại, công nghệ cao, khó tiếp cận… do đó nguồn nhân lực này được đào tạo ở các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Đức, Mỹ, Nga… Suy nghĩ này chỉ đúng một phần. Trên thực tế, phần lớn đội ngũ cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên, các nhà quản lý,… những người đang tham gia vận hành ngành hàng không Việt Nam hiện nay được đào tạo tại một ngôi trường có lịch sử gần 45 năm, từ Trường Sĩ quan và Trung cấp nghiệp vụ hàng không được thành lập năm 1979 đến nay là Học viện Hàng không Việt Nam", ông Trần Hoài An nói.

    Thông tin thêm về ngôi trường với bề dày lịch sử, Chủ tịch Học viện cho biết: Học viện Hàng không Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước CHXHCN Việt Nam. Học viện được thành lập theo Quyết định số 168/2006/QĐ-TTg, ngày 17/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Hàng không Việt Nam. 

    Tại Học viện Hàng không Việt Nam, toàn bộ các chương trình đào tạo đều gắn với ngành hàng không, các môn học bổ trợ cho nhau để cung cấp nhân lực từng khâu trong chuỗi cung ứng tạo nên dịch vụ vận tải hàng không. Học viện có gần 45 năm kinh nghiệm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam và khu vực; có quan hệ chiến lược với tất cả các đơn vị hoạt động trong mọi lĩnh vực hàng không ở trong nước; có quan hệ hợp tác sâu rộng với các cơ sở đào tạo ở khu vực và quốc tế. 

    Học viện Hàng không Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự… theo quy định của pháp luật. Tính đến năm 2023, Học viện đào tạo hơn 20 chuyên ngành hàng không ở bậc đại học và sau đại học, phủ kín mọi hoạt động hàng không bao gồm kỹ thuật hàng không, khai thác hàng không, kinh tế vận tải hàng không và dịch vụ hàng không. 

    Ngoài các ngành đào tạo nhân lực chuyên sâu đặc thù cho ngành hàng không như: Quản lý hoạt động bay (Kiểm soát không lưu); Kỹ thuật hàng không (Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay); nhóm ngành Nghiệp vụ hàng không (An ninh hàng không, Thương mại dịch vụ mặt đất,…); nhóm ngành Kinh tế hàng không (Kinh tế hàng không, Logistics hàng không…); nhóm ngành Xây dựng, quản lý khai thác cảng hàng không, Học viện còn đào tạo các ngành nghề kinh tế khác từ sự kết hợp hiệu quả giữa thế mạnh hàng không và các ngành nghề khác như: Quản trị kinh doanh hàng không, Quản trị du lịch hàng không; Tiếng Anh hàng không, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Tự động hóa,… áp dụng trong lĩnh vực hàng không.

    Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu nhân lực hàng không tăng cao trong giai đoạn 2025-2030, với việc mở rộng cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất,…; xây mới cảng hàng không Long Thành, Phan Thiết, Lào Cai, Điện Biên…, ông Trần Hoài An cho biết: Học viện đã chủ động tăng chỉ tiêu tuyển sinh đồng thời kết hợp với các tổng công ty cảng hàng không, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các công ty vận tải và dịch vụ hàng không,… mở rộng đối tượng và quy mô đào tạo nhân lực theo hình thức xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực ở khắp đất nước, đặc biệt là các vùng xa xôi như miền núi và hải đảo. 

    "Chúng tôi còn có trách nhiệm đào tạo nhân lực hàng không cho nước bạn Lào, Campuchia và các quốc gia khác trong khu vực", ông Trần Hoài An nói.

    Chia sẻ thêm về những định hướng của trường trong thời gian tới, ông An cho biết: Học viện đã ban hành bản sửa đổi bổ sung Chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030, Kế hoạch phát triển Học viện đến năm 2025 xác định tầm nhìn và hoạch định hướng đi rõ nét cho nhà trường trong giai đoạn từ nay đến 2030 với 3 mục tiêu chính gồm: Học viện Hàng không Việt Nam sẽ trở thành một cơ sở đào tạo hàng đầu về hàng không trong khu vực; trở thành một cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín về ngành hàng không tại Việt Nam và trở thành một tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hàng không và các lĩnh vực liên quan.

    Mời các bạn xem thông tin đầy đủ tại Báo Chính phủ: https://baochinhphu.vn/nhu-cau-cap-thiet-noi-dia-hoa-nhan-luc-hang-khong-102230508134440854.htm

    Nguồn tin: Báo Chính phủ

    • facebook
    Quickom Call Center
    ×
    Chào mừng bạn đến với Học viện Hàng không Việt Nam!
    Để được tư vấn/giải đáp thắc mắc, vui lòng liên hệ Phòng/Khoa/Trung tâm dưới đây: