TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VẠN VẬT – AIoT
Trong thời đại công nghệ 4.0, còn được gọi là Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đã và đang tạo ra sự thay đổi lớn trong cuộc sống và việc làm của nhân loại. Sự thay đổi lớn đó là nhờ vào các công nghệ như sau: Công nghệ kết nối và Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Trí tuệ nhân tạo vạn vật – AIoT, Chuỗi khối (Blockchain), In 3D (3D Printing), Tự động hóa và Robot hóa, Thực tế ảo và thực tế tăng cường (VR/AR), v.v… Trong số những công nghệ góp phần vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì Trí tuệ nhân tạo vạn vật – AIoT được liệt kê hàng đầu. Vậy Trí tuệ nhân tạo vạn vật – AIoT là gì mà lại có sự đóng góp mạnh mẽ như vậy. Trong bài báo này sẽ giới thiệu tổng quan về AIoT và các ứng dụng AIoT của sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Học Viện Hàng Không Việt Nam đã xây dựng.
Giới thiệu tổng quan về Trí tuệ nhân tạo vạn vật – AIoT
AIoT là viết tắt của thuật ngữ Artificial Intelligence of Things – Trí tuệ nhân tạo vạn vật. AIoT là sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) với internet vạn vật (IoT) để đạt được hiệu quả hoạt động tốt hơn, cải thiện mức độ tương tác giữa con người và máy móc thiết bị để tăng cường khả năng quản lý, tối ưu hóa hệ thống phân tích dữ liệu. Nguyên tắc hoạt động chính của các hệ thống AIoT là AI sẽ tự thiết lập mục tiêu và liên tục học hỏi từ quá trình thực nghiệm hay các dữ liệu trong quá khứ. Nhờ vậy, chúng có thể tìm được phương thức tối ưu và hiệu quả nhất để hoàn thành mục tiêu đề ra. Hiện nay AIoT đang được phát triển mạnh mẽ và có một số xu hướng chính như sau: Tăng cường tính nhận biết tự động và phân tích dữ liệu, Ứng dụng trong ngành công nghiệp, Tăng cường an ninh và bảo mật, Phát triển các hệ thống IoT thông minh, Tăng cường sự kết nối giữa các thiết bị, v.v…
Các ứng dụng AIoT của sinh viên Khoa CNTT, Học Viện Hàng Không Việt Nam
Với sự phát triển mạnh mẽ của AIoT, đồng thời kết hợp sự động viên khuyến khích tìm hiểu công nghệ của thầy cô trong Khoa Công nghệ thông tin và Ban Lãnh đạo Học Viện Hàng Không Việt Nam, sinh viên khoa Công nghệ thông tin Học viện Hàng không Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng thành công một số ứng dụng AIoT như sau:
1. Hệ thống thông minh hỗ trợ cho hành khách ở sân bay
Hệ thống thông minh hỗ trợ cho hành khách ở sân bay sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo LLM để nhận dạng văn bản, giọng nói từ hành khách và phân tích dữ liệu, hệ thống được lập trình với NodeJS, Python chạy trên Era IoT Platform. Thiết bị chính của hệ thống là mạch Asus Tinker Board. Hệ thống này được vào vòng chung kết và đoạt giải tiềm năng của của cuộc thi “Sáng tạo IoT – NTTU 2024”.
2. Vòng đeo tay thông minh cảnh báo đuối nước với mô hình học máy
Vòng đeo tay thông minh cảnh báo đuối nước được thiết lập bằng mô hình học sâu (deep learning), cụ thể là mạng nơron tích chập CNN trong AI để huấn luyện dữ liệu. Mô hình học máy sau khi huấn luyện được nhúng vào Tinker Board để dự đoán trạng thái hiện tại thông qua việc nhận các dữ liệu cảm biến từ vòng đeo tay của người đang bơi trong thời gian thực. Khi gặp trạng thái đuối nước Tinker Board sẽ bật LED nhấp nháy và truyền tín hiệu cảnh báo không dây lên hệ thống giám sát. Sản phẩm này đang ở mức thực nghiệm trong phòng Lab, trong tương lai nhóm sẽ phát triển thực nghiệm trên môi trường thưc tế. Sản phẩm vòng đeo tay thông minh là kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học do sinh viên khoa CNTT, Học viện Hàng không Việt Nam thực hiện.
Trong thời gian tới, Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ cố gắng áp dụng Trí tuệ nhân tạo vạn vật để xây dựng nhiều hơn các hệ thống AIoT hỗ trợ giảng dạy và học tập.
Tin: Khoa Công nghệ thông tin-H.T.Sơn