Năm trường đại học Việt Nam và Séc hợp tác tổ chức cuộc thi về Drone
Học viện Hàng không Việt Nam cùng với 4 trường đại học khác gồm: trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Kỹ thuật Ostrava (Cộng hòa Séc), Trường ĐH Tomas Bata (Cộng hòa Séc), trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã cùng ký kết MoU về đồng tổ chức Cuộc thi quốc tế về Drone.
Chiều 21/11, Lễ phát động Cuộc thi quốc tế về Drone (Unmanned Aerial Vehicle-UAV: Máy bay không người lái) lần thứ I đã diễn ra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Trần Trọng Đạo – Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết hiện nay, máy bay không người lái là công nghệ hiện đại được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực quân sự, giao thông, nông nghiệp, hậu cần… Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy bay không người lái đang là chủ đề rất nóng được các tổ chức, doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới quan tâm.
Đây là Cuộc thi sáng tạo công nghệ kỹ thuật dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh các trường đại học trong và ngoài nước được tổ chức thường niên do Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava (Cộng hòa Séc), Trường Đại học Tomas Bata (Cộng hòa Séc), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Học viện Hàng không Việt Nam đồng sáng lập và bảo trợ.
Tại sự kiện các đơn vị: Học viện Hàng không Việt Nam, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava (Cộng hòa Séc), Trường Đại học Tomas Bata (Cộng hòa Séc), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã cùng ký Ký kết MoU về đồng tổ chức cuộc thi. Cuộc thi là cơ hội để sinh viên áp dụng kiến thức về thiết kế mô hình, lập trình, AI, phân tích hình ảnh… cũng như các kỹ năng mềm khác (hợp tác, làm việc nhóm) vào thực tế. Đây cũng là cơ hội lớn để các tổ chức đối tác mở rộng hợp tác nghiên cứu, hình thành các nhóm nghiên cứu chung về Drone nói riêng và hợp tác khoa học công nghệ nói chung.
Tại buổi lễ, chủ đề và Luật thi đấu năm 2024 được các thành viên sáng lập thông qua: Định vị và thả (Navigate and drop – Find the target and drop the object) với mục đích phát triển một hệ thống máy bay không người lái cho phép (các) mô-đun cảm biến được thả xuống mục tiêu. Năm mục tiêu sẽ được tạo ra trên mặt đắt, mỗi mục tiêu có đường kính 100cm và độ khó tăng dần. Nhiệm vụ của Drone dự thi sẽ là thả một vật thể xuống mục tiêu từ độ cao xác định trước với độ chính xác cao nhất có thể khi va chạm. Theo kế hoạch, cuộc thi lần thứ I sẽ tổ chức tại TP.HCM vào tháng 6/2024 và các năm tiếp theo sẽ tổ chức tại Cộng Hòa Séc hoặc các quốc gia khác.
Nguồn tin: Báo Khoa học phổ thông