Học viện Hàng không Việt Nam: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics
Theo ThS. Lê Thị Thu Dư (Giảng viên Khoa Kinh tế Hàng không – Học viện Hàng không Việt Nam), để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Học viện Hàng không Việt Nam đã ký hết hợp tác với Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI) để đào tạo tích hợp chứng chỉ Quốc tế FIATA – Liên đoàn Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (International Federation of Freight Forwarders Associations) nhằm xây dựng chương trình đào tạo và tích hợp chứng chỉ quốc tế để giúp sinh viên khi tốt nghiệp có thể thích nghi nhanh chóng với môi trường lao động quốc tế ngành logistics.
Đây là một phần nội dung của tham luận: “Tích hợp văn bằng quốc tế về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng – Bước đi mới của Học viện Hàng không Việt Nam trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành” được ThS. Lê Thị Thu Dư trình bày tại Hội thảo khoa học “Logistics thông minh – Smart Logistics” do Khoa Kinh tế Hàng không – Học viện Hàng không Việt Nam tổ chức vào ngày 26/05 vừa qua.
Hiện Logistics là một ngành phát triển nhanh và ổn định nhất tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Theo báo cáo của tổ chức cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Đồng thời, theo dự báo Logistics Việt Nam 2022, dự kiến đến năm 2030, sẽ cần hơn 200.000 nhu cầu nhân lực logistics. Trong đó, hầu hết các công ty dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện nay đều khẳng định tình trạng thiếu nhân lực có trình độ cao.
Tại Học viện Hàng không Việt Nam, chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (thuộc ngành Kinh tế Vận tải, gồm 3 chuyên ngành: Kinh tế Hàng không, Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, Logistic và Vận tải đa phương thức). Đặc biệt, sinh viện chọn học 2 chuyên ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, ngành Logistic và Vận tải đa phương thức sẽ được tích hợp lấy chứng chỉ quốc tế. Cụ thể, sinh viên học 2 chuyên ngành này sau khi tốt nghiệp sẽ có bằng Cử nhân của Học viện Hàng không Việt Nam và Chứng chỉ Quốc tế FIATA – Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế nếu sinh viên đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
Việc kết hợp các các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín trên thế giới để xây dựng chương trình đào tạo thực tế cũng là hướng đi chung của các trường đại học lớn tại Việt Nam đang đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Tham luận được các đại biểu và sinh viên tham dự quan tâm và đánh giá cao. Các em sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: chọn chuyên ngành, giá trị của chứng chỉ quốc tế, việc làm sau khi tốt nghiệp… Các giảng viên khoa Kinh tế Hàng không đã ghi nhận và giải đáp cụ thể cho sinh viên để làm rõ vấn đề các em đang thắc mắc.
Tại hội thảo, có rất nhiều tham luận có giá trị thực tiễn đã được các báo cáo viên trình bày, như: Logistics của công ty tiếp vận dịch vụ hàng hóa đặc biệt” – NCS Trần Diệu Hằng; E-Logistics trong thời đại 4.0 tại Việt Nam: Nghiên cứu một số doanh nghiệp Logistics và thương hiệu thời trang đa quốc gia tại Việt Nam – Sinh viên Nguyễn Trường Sơn; Logistic xanh: Xu thế và thách thức – NCS Phạm Hữu Hà; TS. Nguyễn Mạnh Tuân – Giảng viên Khoa Kinh tế Hàng không cũng đại diện khoa trình bày tham luận tại hội thảo.
Hội thảo về Logistics thông minh nhằm giới thiệu các nghiên cứu mới của các giảng viên, sinh viên trong và ngoài Học viện lĩnh vực logistics. Qua đó, giúp giảng viên của Học viện cập nhật thêm kiến thức chuyên ngành, góp phần đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực logistics trong tương lai, TS. Nguyễn Thu Hằng – phụ trách khoa Kinh tế Hàng không chia sẻ tại hội thảo.
Tin, ảnh: Thy Huyền